Đông trùng Hạ thảo có phải là “cú lừa đảo xuyên thế kỷ”?
Ngày 2/5/2016, báo Pháp luật Việt Nam điện tử đăng tải bài viết "Sự thật về 'Đông trùng Hạ thảo' - Một vụ đại lừa đảo xuyên thế kỷ?", đưa ra nhiều thông tin gây sốc về dược liệu Đông trùng Hạ thảo, khẳng định đây chỉ là một "thảo dược bình thường" nhưng được thổi phồng quá mức về khả năng chữa bệnh để từ đó tăng giá phi mã đến cả vài tỉ đồng 1 kg. Vậy thực hư câu chuyện này thế nào, liệu hàng triệu người đang tin dùng Đông trùng Hạ thảo có bị lừa không?
Đi tìm bài viết gốc trên báo Trung Quốc
Theo bài viết nói trên của báo Pháp luật Việt Nam thì bài này được dịch từ bài báo "Lật tẩy "Đông trùng Hạ thảo" – Đầu đuôi một vụ đại lừa đảo kiểu Trung Quốc" đăng ngày 12/4 trên trang Sina.com, nhưng thực tế bài viết này đăng vào ngày 15/4/2016 trên Sina.com.cn (báo online của Trung Quốc).
Trước đó vài ngày, bài này được một số trang web của Trung Quốc đăng tải, do đó đây không phải là bài viết gốc của Sina.com.cn, nên không rõ bài này xuất phát từ trang nào của Trung Quốc.
Nội dung bài báo đưa ra rất nhiều thông tin để chứng minh rằng Đông trùng Hạ thảo chỉ là một "thảo dược bình thường", nghĩa là cũng có dược chất nhưng không đáng kể, không có nhiều công hiệu như vẫn được truyền tụng. Bạn đọc có thể xem lại nội dung bài đã được dịch sang tiếng Việt trên báo Pháp luật Việt Nam điện tử.
Đông trùng Hạ thảo là gì?
Nhiều người vẫn nhầm tưởng Đông trùng Hạ thảo là một loại thuốc mà mùa đông là con sâu (trùng) và đến mùa hè biến thành một cây cỏ (thảo). Trên thực tế, đây là một loài nấm ký sinh trên sâu đất/sâu bướm, trong tự nhiên chỉ thấy xuất hiện ở những vùng núi cao trên 3000m không khí loãng ở dãy núi Hymalaya Tây Tạng, Nepal, Butan. Vào mùa đông, bào tử nấm tấn công và lây nhiễm vào ấu trùng của sâu, sống kí sinh trên cơ thể của sâu cho đến hết mùa đông, sinh trưởng và phát triển bằng cách giết chết rồi hấp thụ chất dinh dưỡng từ con sâu đó, đến khi tuyết tan tháng 5-6 thì trồi lên lên mặt đất với hình dạng cây nấm.
Theo chị Đỗ Thị Hồng, Tổng Giám đốc Công ty CP Dược thảo Thiên Phúc, có tới vài trăm loài khác nhau có đặc tính như trên, nhưng tên gọi dược liệu Đông trùng Hạ thảo thường chỉ được dùng cho 2 loài đã được chứng minh có các hoạt chất sinh học quý, đó là Cordyceps sinensis và Cordyceps militaris. Trong đó,Cordyceps sinensis chỉ tìm thấy ở những vùng núi cao từ 3000-5000m so với mặt nước biển, hiện nay chưa nước nào nuôi trồng thành công. Còn loài Cordyceps militaris thì bên cạnh một phần nhỏ còn được khai thác tự nhiên, đa phần dược liệu này trên thị trường là do nuôi trồng trong môi trường nhân tạo, nhưng được chứng minh là có hoạt chất và tác dụng sinh học tương đương với Cordyceps synensis.
Cordyceps synensis (ảnh trái) và Cordyceps militaris
Cũng theo chị Hồng, hoạt chất chính của Đông trùng Hạ thảo là Cordycepin, hiện chưa có phương pháp nào có thể tổng hợp hoá học mà chỉ có thể chiết xuất từ các chủng nấm nói trên. Ngoài ra, Đông trùng Hạ thảo còn có các hoạt chất như adenosine, hydroxyethyl-adenosine, nhóm hoạt chất HEAA (Hydroxy-Etyl-Adenosine-Analogs), D-mannitol, lipid, các nguyên tố vi lượng Al, Si, K, Na…, có 17 axit amin khác nhau (trong 100 g Đông trùng Hạ thảo có 0,12g vitamin B12; 29,19mg vitamin A; 116 mg vitamin C, ngoài ra còn có vitamin B2, vitamin E, vitamin K…).
Thông tin về nấm Đông trùng Hạ thảo mà chị Hồng chia sẻ ở trên có thể tìm thấy trong nhiều tài liệu khoa học khác nhau. Bạn đọc có thể tham khảo thông tin đầy đủ nhất trong bài viết đăng trên trang web của Trung tâm Thông tin Công nghệ Sinh học Quốc gia Mỹ (National Center for Biotechnology Information) tại đây.
Phản biện về bài báo Trung Quốc
Phóng viên VnReview đã đưa những vấn đề nêu trên báo Trung Quốc đến hỏi một số chuyên gia và nhà sản xuất Đông trùng Hạ thảo, tất cả những người được hỏi đều không phủ nhận thông tin trong bài báo nhưng cũng cho rằng thông tin đó không hoàn toàn chính xác.
Tiến sĩ Phạm Văn Nhạ, Giám đốc Trung tâm Đấu tranh sinh học - Viện Bảo vệ thực vật, nơi đã nghiên cứu và sản xuất Đông trùng Hạ thảo từ vài năm nay, nhận xét: bài báo Trung Quốc đưa ra những số liệu hơi cũ, không có tính cập nhật. Thời gian gần đây Y học hiện đại đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về Đông trùng Hạ thảo và đưa ra nhiều bằng chứng về hiệu quả chữa và phòng chống bệnh của loại thảo dược này. Các kết quả phân tích bằng máy móc đều thấy có hoạt chất Cordycepin trong nấm Đông trùng, nhất là kết quả của nhiều nhà nghiên cứu của Mỹ thì không thể bị fake (làm giả). Nếu nói như bài báo thì phải chăng đã phủ nhận toàn bộ các công trình nghiên cứu đó?
"Nếu các tài liệu y học cổ truyền ít nói đến hoặc nói đến Đông trùng Hạ thảo không nhiều cũng là điều dễ hiểu vì thời xưa không có điều kiện nghiên cứu rộng như bây giờ, một lang y phát hiện được 1 tác dụng của thuốc thì thường chỉ tập trung nghiên cứu chữa được 1 loại bệnh đó thôi, khó nghiên cứu cho nhiều bệnh khác nhau, không thể khảo sát tổng thể và đa khoa được, hơn nữa thời xưa khả năng thông tin và lưu trữ tài liệu kém. Tuy nhiên, thực tế Đông trùng Hạ thảo là vị thuốc quý hiếm mà xưa kia chỉ có vua chúa mới được dùng. Đây là vị thuốc quý nhất trong tự nhiên bởi nó là sự kết hợp giữa con và cây, trung tính, không có phản ứng phụ, cả thể nhiệt và thể hàn đều dùng được. Bài báo đã cố tình viết theo một "định hướng" xấu nên đã đưa ra những dẫn chứng không đầy đủ và cập nhật. Ngay cả các nghiên cứu khoa học hiện đại, nếu một nghiên cứu mà không có hàm lượng thông tin "mới" đạt 40% trong 10 năm thì nghiên cứu đó cũng không có giá trị. Vì vậy, cách nhìn của bài báo là không thiện chí", Tiến sĩ Phạm Văn Nhạ nói.
Cũng theo TS Nhạ, Đông trùng Hạ thảo thu hái trong tự nhiên thường không đồng nhất về chất lượng, người dân khi đi thu hái cứ gặp con nào là thu hết, dù là con non hay con già, rồi cách bảo quản không đúng cũng ảnh hưởng đến chất lượng. Nếu mẫu phân tích quá non hoặc quá già, mẫu được thu hái không đúng thời điểm thì hàm lượng dược chất sẽ thấp (đặc điểm của các loài nấm là khi nấm chuẩn bị phóng bào tử là lúc nấm đạt đủ độ trưởng thành, thu hái sớm hơn hoặc muộn hơn thời điểm này đều cho chất lượng nấm giảm sút). Ngoài ra, chất lượng của Đông trùng Hạ thảo có thể bị giảm đi theo thời gian do cách bảo quản sai, bị phân hủy dưới ánh sáng tự nhiên. Dược chất của Đông trùng Hạ thảo sẽ bị phân hủy bởi nhiệt độ trên 40 độ C, nên nếu bảo quản nấm bằng phương pháp cổ truyền như treo lên gác bếp thì chất lượng sẽ giảm. TS Nhạ cho biết, để bảo quản Đông trùng Hạ thảo cần phải sử dụng phương pháp sấy đông khô (sấy thăng hoa) ở nhiệt độ từ âm 50 đến âm 70 độ C, do có chi phí lớn nên nhiều nơi chỉ áp dụng sấy lạnh (thấp hơn nhiệt độ môi trường), còn nếu sấy nóng là hỏng. Chính vì chất lượng nấm Đông trùng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như vậy, nên kết quả phân tích hàm lượng Cordycepin sẽ tùy thuộc từng mẫu thử khác nhau, không thể kết luận chung về tất cả nấm Đông trùng Hạ thảo là "không có" Cordycepin được.
VnReview cũng phỏng vấn một chuyên gia nghiên cứu thuộc Viện Hóa công nghiệp, anh không muốn nêu tên nên chúng tôi tạm gọi là anh T. Cũng như TS Nhạ, anh T cho rằng bài báo Trung Quốc nói không hoàn toàn sai, nhất là vấn đề giá của Đông trùng Hạ thảo bị thổi phồng quá mức, tuy nhiên nếu nói loài nấm này không có hoạt tính là không đúng bởi đã có rất nhiều công trình nghiên cứu khẳng định sự tồn tại của chất Cordycepin trong Đông trùng Hạ thảo, còn tác dụng chữa bệnh của chất này thì hãy để cho người tiêu dùng tự đánh giá.
Về ý kiến cho rằng Cordycepic acid chính là sản phẩm hóa công nghiệp Mannitol rẻ tiền, anh T cho biết: Mannitol là một loại đường gốc rượu có nhiều gốc OH trong phân tử, còn Cordycepic acid là một axit do có thêm 1 nguyên tử C (carbon) trong mạch vòng. Hai chất này có cấu trúc phân tử khá giống nhau nên có thể gây nhầm lẫn. Trong tự nhiên có rất nhiều chất có cùng cấu trúc phân tử nhưng khác cấu hình thì vẫn là các chất khác nhau. Trên thực tế, có tìm thấy đường D-Mannitol trong Đông trùng Hạ thảo và loại đường này có tác dụng giãn nở cơ tim và mạch máu não, tăng cường tuần hoàn máu, giảm Cholesterol trong máu, chống xơ vữa động mạch, chống viêm gan, xơ gan… Mannitol có thể được tổng hợp hóa học, nhưng nếu người bệnh sử dụng nó dưới dạng sản phẩm sinh học tự nhiên chắc chắn sẽ tốt hơn, dễ hấp thu hơn. Như vậy, nếu Cordycepic acid chính là Mannitol đi nữa, thì với các chứng minh khoa học về tác dụng của Mannitol, người dùng Đông trùng Hạ thảo sẽ được hấp thu chất này một cách tự nhiên, thay vì sử dụng sản phẩm hóa học.
Cấu trúc phân tử của Mannitol và Cordycepic acid khác nhau, nên đây là 2 chất khác nhau
Cũng theo anh T, cách viết của bài báo trên dễ gây nhầm lẫn Cordycepic acid với Cordycepin – hoạt chất quan trọng nhất của nấm Đông trùng Hạ thảo. Cordycepin có vòng nito trong phân tử, cấu trúc gần tương tự với Adenosine nên một số enzyme không phân biệt được 2 chất này. Cả Adenosine và Cordycepin đều được tìm thấy trong Đông trùng Hạ thảo, riêng Cordycepin chỉ thấy trên Đông trùng Hạ thảo, còn Adenosine có thể thấy trên một số thảo dược khác như sâm, linh chi.
Cấu trúc phân tử của Cordycepin và Adenosine, cả hai được tìm thấy trên Đông trùng Hạ thảo
"Nấm Đông trùng thuộc loài Cordyceps synensis có giá trên trời, hàng tỉ đồng 1 kg, nên quả thực rất khó kiếm được con tươi để mang về phân tích, do đó không có mẫu đối chứng, nhiều mẫu phân tích trên con khô có thể cho kết quả "không có gì", nhất là khi đó là hàng giả hoặc đã bị chiết tách hết dược chất. Loài Cordyceps militaris đã nuôi trồng được, ngay cả các nước có nền công nghệ sinh học cao như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan… đều khẳng định loài synensis có gì thì militaris có nấy, thậm chí cao hơn do được nuôi trồng trong điều kiện ổn định, thu hái đúng lúc, bảo quản đúng cách", anh T cho biết.
Về thông tin nấm Đông trùng có asen, cả TS Nhạ và anh T đều khẳng định không thể có, do môi trường nuôi trồng rất an toàn. Tuy nhiên, thị trường có rất nhiều hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc, hàng giả, do đó người mua nên tìm đến các cơ sở uy tín mua để đảm bảo chất lượng. Theo TS Nhạ, Trung tâm Đấu tranh sinh học Viện Bảo vệ thực vật thường xuyên nhận được các yêu cầu giám định Đông trùng Hạ thảo và chỉ có 28-30% mẫu giám định là hàng thật.
Đông trùng Hạ thảo có tác dụng chữa bệnh không?
Từ khoảng năm 1970 trở lại đây, Đông trùng Hạ thảo đã được nghiên cứu khá rộng rãi. Nhiều hãng dược phẩm lớn từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều có bán các sản phẩm chiết xuất từ Đông trùng Hạ thảo. Có thể tìm thấy khá nhiều công trình nghiên cứu về loài nấm này được công bố trên các trang web khoa học, y dược học uy tín như Springer, Scientific Research Publishing, Dove Press, Internet Chemie, (.info), Science Direct.com, Research Gate.net, Nature…
Trên trang web của Trung tâm Thông tin Công nghệ Sinh học Quốc gia Mỹ (National Center for Biotechnology Information), Thư viện Y học Quốc gia Mỹ (U.S. National Library of Medicine) có lưu trữ và đăng tải hàng chục công trình nghiên cứu về Đông trùng Hạ thảo. Bạn có thể tìm kiếm các thông tin này bằng cụm từ khóa: cordycepin site:http://www.ncbi.nlm.nih.gov. Chẳng hạn, công trình nghiên cứu trong ống nghiệm và trên cơ thể chuột về tác dụng của Cordycepin đối với việc sinh steroid tế bào Leydig tinh hoàn (The in vivo and in vitro stimulatory effects of cordycepin on mouse leydig cell steroidogenesis) đã cho thấy Cordycepin làm tăng nồng độ testosterone trong huyết tương, mà Testosterone kích thích các bước cuối cùng của quá trình sinh tinh. Điều này khẳng định tác dụng hỗ trợ tăng cường sinh lý của Đông trùng Hạ thảo. Ngoài ra còn rất nhiều công trình khác: Tác dụng kháng nấm của cordycepin. Tác dụng giảm mỡ của cordycepin…
Trên trang web của tạp chí khoa học Springer cũng có một số công trình nghiên cứu về cordycepin, chẳng hạn như bài "Đánh giá độc tính của cordycepin và hệ đưa thuốc của nó trong việc duy trì hoạt tính chống ung thư phổi trong thử nghiệm in vitro" (Toxicity evaluation of cordycepin and its delivery system for sustained in vitro anti-lung cancer activity).
Bạn có thể tìm thấy rất nhiều tác dụng chữa bệnh của Đông trùng Hạ thảo với chiết xuất từ 2 chủng nấmCordyceps militaris và Cordyceps synensis được tổng hợp tại đây.
Tại Việt Nam, theo GS.TSKH. Đỗ Tất Lợi, trong cuốn "Những Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam", trang 884, NXB Hồng Đức-2013), có ghi: "Năm 1958, hai tác giả Trung Quốc Trương Sỹ Thiện và Trương Bá Thạch có nghiên cứu kỹ tác dụng của Đông trùng Hạ thảo và đã đi đến một số kết luận (Dược học thông báo 5/1958): Nước sắc 1/10 Đông trùng Hạ thảo có tác dụng ứng chế đối với tim cô lập và tại chỗ của ếch, cũng như đối với tim cô lập của thỏ; Làm tim đập chậm lại, nhưng sức bóp không tăng; hạ huyết áp trên chó đã gây mê, khi tiêm tĩnh mạch với liều 0,1-0,5ml hoặc 1ml/kg thể trọng đều thể hiện hạ huyết áp, sau 10 phút huyết áp trở lại bình thường; làm giãn cơ trơn khí quản chuột bạch thí nghiệm, nếu phối hợp với hoạt chất của thượng thận thì tác dụng của hoạt chất thượng thận tăng lên rõ rệt (phù hợp với công dụng chữa ho, tiêu đàm, bảo vệ phổi theo kinh nghiệm cổ truyền); có tác dụng an thần và gây ngủ; ức chế ruột và tử cung cô lập".
Tài liệu "Đông trùng Hạ thảo", trang 25-27, GS.TSKH. Đái Duy Ban (chủ biên) và TS. Lưu Tham Mưu, NXB Y Học-2009) cũng đề cập đến tác dụng điều tiết miễn dịch, chống khối u của Đông trùng Hạ thảo: Khi sử dụng Đông trùng Hạ thảo hỗ trợ điều trị bệnh nhân bị thiếu khả năng miễn dịch, như ở bệnh nhân ung thư, viêm gan B và HIV, kết quả cho thấy số lượng và tác động của bạch cầu trong máu tăng. Đông trùng Hạ thảo cũng có vai trò làm tăng hoạt động của thực bào và tăng cường hệ miễn dịch của ruột, đây là điều rất quan trọng vì phản ứng tăng cường hệ miễn dịch của ruột đóng vai trò đến 70% tất cả các phản ứng bảo vệ của hệ miễn dịch. Dùng Đông trùng Hạ thảo có tác dụng kiềm chế phát sinh khối u, tăng khả năng miễn dịch và tăng thể lực. Ngược lại với bệnh nhân tăng miễn dịch quá cao như bệnh bạch cầu (lymphoma) hoặc các bệnh thấp khớp (rheumatoid arthritis) khi dùng Đông trùng Hạ thảo cho thấy số lượng và tác động của bạch cầu trong máu giảm, số lượng hồng cầu lại tăng. Quá trình này diễn biến là do các cơ chế trong các pha khác nhau sản xuất máu. Tất cả các tế bào máu được sản xuất trong tủy xương. Chúng ra khỏi tủy xương đầu tiên ở dạng chưa thành thục và sau đó xâm nhập vào các cơ quan khác trở thành thành thục với các dạng khác nhau của tế bào máu như hồng cầu, tế bào T. Khi có mặt, Đông trùng Hạ thảo ảnh hưởng lên các cơ chế khác nhau sản sinh hồng cầu, bạch cầu và tế bào T. Ở đây, nó trực tiếp tới quá trình biến đổi các tế bào máu ở dạng chưa thành thục thành thành thục…
Như vậy, có thể thấy cả trong và ngoài nước đều có rất nhiều tài liệu cũng như công trình nghiên cứu khẳng định công dụng của Đông trùng Hạ thảo, do đó không có cơ sở để phủ nhận hiệu quả chữa bệnh của dược liệu này.
Vì sao đã nuôi trồng được, nấm Đông trùng vẫn đắt?
Theo chị Đỗ Thị Hồng, Công ty CP Dược thảo Thiên Phúc, nấm Đông trùng Hạ thảo nguồn tự nhiên từ Tây Tạng do phụ thuộc vào thiên nhiên nên quá hiếm, dẫn tới giá cao, giá sản phẩm loại này hiện tại là từ 1,2 tỉ - 1,8 tỉ đồng cho 1 kg khô. Giá Đông trùng Hạ thảo nuôi nhân tạo của Mỹ do công ty Aloha sản xuất cũng có giá tương đương Đông trùng Hạ thảo Tây Tạng. Hàng Thái Lan giá khoảng 178 triệu đồng/kg, hàng Trung Quốc khoảng 130-140 triệu đồng/kg… Hàng Việt Nam sản xuất trong nước có nhiều mức giá tùy theo chất lượng và cơ sở sản xuất, giá từ 100-180 triệu đồng/kg loại đã sấy khô phần thảo, loại tươi giá khoảng 8-30 triệu đồng/kg. Viện Bảo vệ thực vật bán giá khá mềm: 100 triệu đồng/kg sấy khô, 7 triệu đồng/kg nấm tươi loại cấy trên sinh khối, 8 triệu đồng/lạng loại cấy trên con ký chủ.
Theo TS Nhạ, chất lượng của nấm Đông trùng Hạ thảo nuôi trồng nhân tạo phụ thuộc vào 2 yếu tố: giống và yếu tố đầu vào, trong đó chất lượng chủng giống quyết định 70%, 30% còn lại là các yếu tố đầu vào như môi trường và kỹ thuật nuôi cấy. Một quy trình đầy đủ từ lúc làm giống cho đến khi thu hoạch kéo dài khoảng 110-125 ngày (4 tháng). Chủng giống gốc được nhân sang môi trường giống cấp 1, nhiễm vào con côn trùng (nhộng tằm còn sống, cắt vỏ kén, chọn con khỏe không nhiễm bệnh ngoài tự nhiên), nhộng sẽ sống trong 3-5 ngày, nấm phát triển sẽ gây chết côn trùng. Lúc này nấm sẽ được nuôi (để nguyên) trong môi trường tối, không chiếu sáng từ 12-15 ngày, sau đó chuyển sang giai đoạn kích sáng 60-70 ngày do phần thảo cần ánh sáng để sinh dược chất. Nếu nuôi trong môi trường kiểu giá thể, nấm sẽ được cấy vào giá thể gồm gạo lứt trộn với nhộng tằm đã được xay nhuyễn và khử trùng sạch vi sinh vật. Nấm nuôi theo kiểu cấy trên con ký chủ sẽ đắt hơn loại nuôi trên giá thể do có nhiều chi phí và rủi ro hơn.
Khu nuôi trồng Đông trùng Hạ thảo của Viện bảo vệ thực vật
Nấm Đông trùng Hạ thảo sinh trưởng trên ký chủ là nhộng tằm
Đông trùng Hạ thảo được nuôi trên giá thể
Theo anh T, Viện Hóa Công nghiệp, nấm Đông trùng Hạ thảo mặc dù đã nuôi trồng được nhưng vẫn đắt, là do chi phí sản xuất cao và rủi ro lớn. Mặc dù nuôi trồng được nhưng không có mẻ nào đạt 100%, tỉ lệ hỏng rất cao, ngoài ra khi trồng thì không đạt được 100% là loài mà chỉ là dưới loài (nghĩa là chưa đạt được đầy đủ đặc điểm của loài) và khi nuôi cấy nhiều lần thì bị thoái hóa giống nên cần có chi phí để chống thoái hóa giống, một thời gian sau lại phải mua giống mới. Giống được nhập khẩu từ các nguồn uy tín, càng đắt thì tỉ lệ thành công càng cao.
Để chứng minh chất lượng Đông trùng Hạ thảo của mình, các cơ sở nuôi trồng trong nước đều thường xuyên lấy mẫu đi phân tích hàm lượng dược chất, đối chiếu so sánh kết quả giữa các lần nuôi trồng để tiếp tục cải tiến quy trình. TS Nhạ cho biết, Đông trùng Hạ thảo do Viện Bảo vệ thực vật nuôi trồng hiện đã đạt được hàm lượng Cordycepin trên 9mg/g – cao hơn cả một số mẫu từ Trung Quốc, Thái Lan. Còn theo chị Đỗ Thị Hồng, Công ty Thiên Phúc, công ty của chị còn nhận được đơn đặt hàng từ Hàn Quốc – nơi xuất khẩu khá nhiều Đông trùng Hạ thảo vào thị trường Việt Nam.
Cần sự minh bạch thông tin
Như vậy, nhiều cứ liệu đã cho thấy Đông trùng Hạ thảo là một dược liệu quý mà công dụng của nó còn chưa được phát hiện hết. Người tiêu dùng cần tìm đến các cơ sở uy tín để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. TS Nhạ cho biết ông đang có ý định kêu gọi các nhà sản xuất trong nước thành lập một hiệp hội để quản lý chất lượng chung. Các cơ sở sản xuất công bố khách quan chất lượng của mình đến đâu, lấy mẫu phân tích độc lập, để người tiêu dùng có căn cứ tin tưởng, tránh bị tiền mất tật mang.
Ngọc Mai
1 nhận xét:
Muốn bình luận một vấn đề hay quảng cáo cho một món hàng cũng phải có một kiến thức nhất định về nó. Không thể nói, viết lấy được kiểu "sừng tê giác cũng giống như móng tay, tóc " được.
Đăng nhận xét