PHẦN II: LOÃNG XƯƠNG
Bài viết của BS ThS Hàn Tiểu Sảo
Chẩn đoán loãng xương (Osteoporosis)
khi mật độ xương theo chỉ số T-score được đo bằng phương pháp
DEXA ≤ - 2,5 (theo Tổ chức Y tế thế giới).
+ Xương bình thường: T score ≥ – 1SD
+ Thiếu xương (Osteopenia): – 2,5SD < T score
< – 1SD
+ Loãng xương (Osteoporosis): T score ≤ - 2,5SD
+ Loãng xương nặng: T score ≤ - 2,5 SD kèm tiền sử/ hiện tại có
gẫy xương
(Đo mật độ xương tại cột sống thắt lưng và cổ xương đùi theo
phương pháp DXA)
T-Score = (BMD – mBMD) / SD Trong đó:
BMD: mật độ xương của đối tượng khảo sát
mBMD: mật độ xương trung bình (cũng là BMD max) của quần thể dân
số tuổi từ 20-30 tuổi.
SD: độ lệch chuẩn của BMD trung bình của quần thể dân số trên.
Đo BMD cổ xương đùi của phụ nữ VN tuổi 20- 30 bằng phương pháp
DXA: mBMD= 0.94 g/cm2, SD=0.11 g/cm2.
Ø Ví dụ: một phụ nữ 60 tuổi, có BMD tại cổ
xương đùi là 0.65 g/cm2 =>T-Score của bà ta là: (0.65-0.94)/ 0.11 = -2.63.
Có nghĩa là BMD phụ nữ này thấp hơn BMD lúc 20-30 tuổi 2.63 lần
SD
Æ T-Score có ý nghĩa so sánh BMD hiện tại với
BMD tối đa.
Z-Score = (BMD- tBMD)/ SD Trong đó:
BMD: mật độ xương của đối tương khảo sát
tBMD: BMD trung bình của quần thể có cùng độ tuổi với đối tượng.
SD: độ lệch chuẩn
Ví dụ: quần thể dân số nữ 65 tuổi có tBMD = 0.81g/cm2 ,
SD=0.11g/cm2
Một phụ nữ A 65 tuổi có BMD cổ xương đùi là 0.86 g/cm2
.
=> Z-Score = (0.86 - 0.81)/ 0.11= +0.45
Æ BMD của bà A cao hơn BMD của các phụ nữ khác
có cùng độ tuổi 0.45 SD
Định nghĩa
Loãng xương là sự rối loạn chuyển hoá của bộ xương gây tổn
thương sức mạnh của xương đưa đến tăng nguy cơ gãy xương, là hậu quả của việc
suy giảm các khung protein và lượng calci gắn với các khung này, do giảm số
lượng tổ chức xương, giảm trọng lượng của một đơn vị thể tích.
Sức mạnh của xương bao gồm sự toàn vẹn cả về khối lượng và chất
lượng của xương.
Khối lượng xương được biểu hiện bằng:
• Mật đô khoáng chất của xương (Bone Mineral Density: BMD)
• Khối lượng xương (Bone Mass Content: BMC)
Chất lượng xương phụ thuộc vào:
• Thể tích xương
• Vi cấu trúc của xương (Thành phần chất nền và chất khoáng của
xương)
• Chu chuyển xương (Tình trạng tổn thương vi cấu trúc xương,
tình hình sửa chữa cấu trúc của xương)
Phân loại
Loãng xương type 1 là loãng xương sau mãn kinh, liên quan với
giảm nồng độ estrogen và tác động trên bè xương hơn là vỏ xương. Loãng xương
type 2 là loãng xương do tuổi già, là hậu quả của sự lão hóa và thường
được tăng cường bởi tình trạng thiếu canxi và vitamin D, ảnh hưởng đến cả
vỏ xương và bè xương. Loãng xương thứ phát liên quan đến một số bệnh hoặc việc
sử dụng một số loại thuốc.
Nguyên nhân loãng xương
• Chế độ ăn ít canxi và / hoặc vitamin D góp phần giảm sút mật
độ xương, mất xương sớm và gia tăng nguy cơ gãy xương. Do calci trong thức ăn
không đủ để duy trì nồng độ calci cần thiết trong máu, khi đó tế bào chính của
tuyến cận giáp tiết ra Parathyroidhormon (PTH) để điều calci trong xương chuyển
ra bổ sung cho máu nhằm duy trì sự ổn định nồng độ calci trong máu. Tình trạng
này kéo dài làm cho kết cấu xương bị thưa loãng. Việc sản xuất PTH của tuyến
cận giáp được điều khiển bởi tuyến yên & cơ chế phản hồi từ nồng độ Calcium
trong máu.
• Hoạt động thể chất: Những người không hoạt động thể chất có
nguy cơ loãng xương hơn.
• Thuốc lá và rượu: thuốc lá góp phần làm yếu xương, nhiều hơn
hai ly rượu mỗi ngày làm tăng nguy cơ loãng xương (do rượu cản trở khả năng của
cơ thể hấp thụ canxi).
• Giới tính, kích thước và độ tuổi:
* Nguy cơ loãng xương nếu là phụ nữ, vì phụ nữ có mô xương ít
hơn so với nam giới.
* Nếu cơ thể rất gầy (BMI ≤ 19) hoặc có khung cơ thể nhỏ: Kém
phát triển thể chất từ khi còn nhỏ, đặc biệt là còi xương, suy dinh dưỡng, chế
độ ăn thiếu protein, thiếu canxi hoặc tỷ lệ canxi/phospho trong chế độ ăn không
hợp lý, thiếu vitamin D hoặc cơ thể không hấp thu được vitamin D... nên khối
lượng khoáng chất đỉnh của xương ở tuổi trưởng thành thấp, đây được coi là yếu
tố nguy cơ quan trọng nhất của bệnh Loãng xương.
* Xương trở nên mỏng hơn và yếu hơn khi già đi. Đặc điểm của
loãng xương tuổi già là tăng quá trình huỷ xương & giảm quá trình tạo
xương, gặp ở cả nam và nữ vì các nguyên nhân:
- Các
Osteoblast bị lão hoá. Hoạt động của nguyên bào xương giảm khi lớn tuổi.
- Sự hấp thu
calci ở ruột bị hạn chế do chức năng dạ dày, đường ruột, gan, thận suy
yếu…
Ít hoạt
động ngoài trời, thiếu ánh nắng, thiếu vitamin D.
- Sự suy giảm
tất yếu các hormon sinh dục (Nữ và Nam).
• Chủng tộc và lịch sử gia đình: Người da trắng hoặc người gốc Á
Châu có nguy cơ loãng xương hơn các chủng tộc khác. Ngoài ra, có cha mẹ hoặc
anh chị em ruột bị loãng xương thì có nguy cơ cao hơn - đặc biệt là lịch sử gia
đình có người bị gãy xương.
• Mức độ hormone:
* Quá nhiều hormon tuyến giáp có thể gây mất xương do tăng bài
tiết canxi và phốt pho trong nước tiểu và phân.
* Ở phụ nữ, mất xương tăng đáng kể ở thời kỳ mãn kinh do giảm
nồng độ estrogen làm tăng nhanh tốc độ quá trình chuyển calci từ xương vào máu
(Tăng quá trình huỷ xương trong khi quá trình tạo xương bình thường). Thiếu hụt
Estrogen là yếu tố chính dẫn đến giai đoạn nhanh chóng mất xương, nhưng các yếu
tố khác như giảm mức độ IGF-1 và PTH cao góp phần vào giai đoạn mất xương chậm
sau mãn kinh. Loãng xương sau mãn kinh làm nặng hơn tình trạng loãng xương do
tuổi ở phụ nữ.
Mất xương cột sống thường là 3% / năm trong khoảng 5 năm sau khi
mãn kinh. Sau đó, tốc độ chậm hơn (khoảng 0,5% / năm), ảnh hưởng đến cả vỏ
xương và bè xương.
* Ở nam giới, nồng độ testosterone thấp có thể gây ra mất khối
lượng xương. Những thay đổi trong mức độ IGF-1 và PTH cùng với sự suy giảm
estrogen sinh học cũng đóng một vai trò trong việc mất xương ở nam giới.
• Ăn quá nhiều protein, natri, và caffeine. Những người bị chứng
biếng ăn hoặc ăn vô độ có nguy cơ mất xương. Dinh dưỡng thiếu làm thiếu các yếu
tố vi lượng như calci, phospho, magne, albumin dạng keo, acid amin góp phần gây
loãng xương.
• Nhiều bệnh gây nguy
cơ loãng xương bao gồm: cường cận giáp, tiểu đường type 1, suy thượng thận, hội
chứng Cushing, chán ăn tâm thần, hội chứng kém hấp thu, và một số bệnh ác tính.
Cơ chế góp phần vào sự mất xương là khác biệt cho từng bệnh. Nhiều loại thuốc
cũng có tác dụng bất lợi trên xương. Sử dụng kéo dài của glucocorticoid là
nguyên nhân phổ biến nhất của loãng xương do thuốc. Các loại thuốc khác bao gồm
heparin, thuốc ức chế aromatase, barbiturates, các thuốc đồng vận hormon
gonadotropin-releasing, cyclosporine, tacrolimus, depot medroxyprogesterone,
lithium, hóa trị liệu ung thư, thuốc chống co giật.
Triệu chứng
Loãng xương là bệnh diễn biến âm thầm không có triệu chứng lâm
sàng đặc trưng, chỉ biểu hiện khi đã có biến chứng. Những biểu hiện lâm sàng
chỉ xuất hiện khi trọng lượng xương giảm > 30%. Sự xuất hiện từ từ tự nhiên
hoặc sau một chấn thương, đôi khi tình cờ chụp X quang mà thấy.
• Đau và hạn chế vận động cột sống, cánh chậu, bả vai.
• Tái phát từng đợt, thường sau khi vận động nhiều, chấn thương
nhẹ, thay đổi thời tiết.
• Cột sống giảm dần chiều cao, biến dạng đường cong sinh lý dẫn
đến gù vùng lưng hay thắt lưng, chiều cao cơ thể giảm đi rõ rệt so với khi còn
trẻ tuổi. Xương dễ gãy, đôi khi chỉ một chấn thương nhẹ cũng làm gãy cổ xương
đùi, gãy đầu dưới xương quay, gãy lún đốt sống.
Hai phần ba gãy xương cột sống do loãng xương
không đau. Nếu có, cơn đau cấp tính sau ngã hoặc chấn thương nhẹ, đau nhói hay
ê ẩm. Điểm đau rõ ở cột sống, đau khi ấn, một số trường hợp đau lan tới vùng
bụng. Đau thường kèm theo co thắt cơ quanh đốt sống, cử động làm tăng đau, giảm
khi nằm ngửa. Cơn đau cấp thường tự khỏi sau 4-6 tuần; trong bối cảnh nhiều
xương gãy với gù cột sống nặng, cơn đau có thể trở thành mãn tính.
Triệu chứng đau của gãy xương hông: Đau ở háng, mông, trước đùi, giữa đùi, và / hoặc giữa đầu gối do mang nặng, hạn chế cử động háng.
Chúng tôi sẽ cập nhật phần 3: Phòng ngừa loãng xương
Asia Clinic, 8h27' ngày thứ Năm, 21/5/2015
Triệu chứng đau của gãy xương hông: Đau ở háng, mông, trước đùi, giữa đùi, và / hoặc giữa đầu gối do mang nặng, hạn chế cử động háng.
Chúng tôi sẽ cập nhật phần 3: Phòng ngừa loãng xương
Asia Clinic, 8h27' ngày thứ Năm, 21/5/2015
Nguồn: Blog Bác sĩ Hồ Hải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét