Nên phòng bệnh
loãng xương ngay từ thuở nhỏ
|
|
Bệnh này xuất hiện ở tuổi trung
niên, nhưng sự thoái hoá xương thực ra đã bắt đầu khi bạn ngoài 30 tuổi. Việc
điều trị thường chỉ có hiệu quả sau vài năm dùng thuốc và xương cũng không thể
hồi phục hoàn toàn. Vì vậy, loãng xương cần được dự phòng càng sớm càng tốt.
Trên thế giới có khoảng 200 triệu người bị loãng
xương. Khoảng 1/4 số phụ nữ ngoài 60 tuổi bị gãy xương do bệnh này. Nguy cơ loãng
xương tăng cao ở người cao tuổi, kể cả nam giới.
Giáo sư Trần Ngọc Ân, Chủ tịch Hội Khớp học Việt Nam , cho biết,
xương được cấu tạo bởi 2 loại tế bào: tạo cốt và huỷ cốt. Ở trẻ em, hoạt động
của tạo cốt bào chiếm ưu thế, giúp xương phát triển nhanh. Hai loại tế bào này
ở thế cân bằng trong độ tuổi 20-30, khi mật độ xương đạt đến đỉnh điểm. Từ tuổi
35, số huỷ cốt bào bắt đầu tăng nhanh tạo ra quá trình suy thoái. Mật độ xương
giảm dần và đến một lúc nào đó, bệnh loãng xương xuất hiện.
Tiến sĩ Vũ Thị Thanh Thuỷ, Phó trưởng khoa Khớp
bệnh viện Bạch Mai, cho biết, có nhiều yếu tố làm gia tăng nguy cơ loãng xương
như hút thuốc, nghiện rượu và cà phê, lối sống tĩnh tại, chế độ ăn thiếu canxi,
bị rối loạn tiêu hóa, thiếu vitamin C và D. Ở phụ nữ, nồng đô oestrogen thấp
(mãn kinh, cắt bỏ buồng trứng, dùng thuốc chữa ung thư vú) cũng dẫn đến bệnh
này.
Nguy cơ loãng xương cũng tăng cao ở những người bị
viêm khớp dạng thấp, viêm gan C, nhiễm trùng gan, cường giáp, cường tuyến phó
giáp. Ngoài ra, việc dùng lâu dài một số thuốc cũng có thể dẫn đến bệnh như
heparin (làm loãng máu), phenytoin (chống động kinh), corticoid (kháng viêm).
Xương bị loãng sẽ dễ gãy, gây đau đớn, làm giảm
chất lượng cuộc sống và khả năng lao động. Trên 30% bệnh nhân bị nứt xương chậu
do loãng xương phải có y tá chăm sóc lâu dài tại nhà. Khoảng 20% phụ nữ bị gãy
xương cổ xương đùi sẽ tử vong trong năm sau do những hậu quả gián tiếp của tai
nạn. Thêm vào đó, nếu đã bị gãy cột sống một lần do loãng xương, người bệnh sẽ
có rất nguy cơ gãy xương nhiều lần nữa trong những năm tiếp theo.
Bệnh loãng xương thường không có triệu chứng sớm. Khoảng 60% ca xẹp đốt sống do loãng xương không
có biểu hiện lâm sàng. Vì vậy, nhiều người chỉ phát hiện bệnh khi đã bị gãy
xương, giảm chiều cao, gù, đau lưng. Đây là lúc bệnh đã nặng và việc điều trị
thường khó khăn.
Vì vậy, tiến sĩ Thuỷ khuyên rằng, việc dự phòng
nên thực hiện từ khi còn nhỏ. Để bảo vệ xương cho con, bà mẹ mang thai cần ăn
đủ canxi. Với trẻ nhỏ, ngoài việc đảm bảo lượng canxi, cha mẹ cần cho trẻ tắm
nắng mỗi ngày để thúc đẩy việc tạo thành vitamin D, một chất rất quan trọng
trong chuyển hoá xương.
Một phương pháp quan trọng để phòng loãng xương là
tập thể dục đều đặn với cường độ phù hợp với sức khoẻ. Ngoài ra, cần có lối
sống lành mạnh, hạn chế rượu, cà phê, thuốc lá. Ở người cao tuổi hoặc có các
yếu tố nguy cơ đã kể trên, nên định kỳ kiểm tra xương để phát hiện sớm bệnh
loãng xương. Các kỹ thuật giúp xác định bệnh là xét nghiệm sinh hoá, chụp
X-quang, đo mật độ xương hoặc sinh thiết xương.
Mục tiêu chủ yếu của điều trị loãng xương là chấm dứt tình trạng xương bị
mất dần và nâng cao
mật độ cũng như sự vững chắc của xương. Tiến sĩ Thuỷ cho biết, trước đây, người
ta thường dùng liệu pháp oestrogen để điều trị bệnh này ở phụ nữ. Cách này hiện
ít được dùng vì có thể gây nhiều tác dụng phụ. Nó chỉ được chỉ định với thời
gian ngắn cho cho những người có hội chứng mãn kinh.
Hiện bệnh nhân thường được chỉ định những thuốc có
tác dụng chấm dứt tình trạng mất xương và tăng sự vững chắc của xương như
alendronate, risedronate, raloxifene và calcitonin.
Theo giáo sư Trần Ngọc Ân, một trong các thuốc
điều trị và dự phòng loãng xương phổ biến nhất hiện nay là Actonel (tên gốc là
risedronate sodium), thường được dùng cho các trường hợp loãng xương do mãn
kinh hoặc do corticoid. Actonel đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của một thuốc phòng
trị loãng xương lý tưởng: tác dụng nhanh và kéo dài. Nó giúp làm giảm nguy cơ
gãy đốt sống và xương ngoài đốt sống chỉ trong vòng 6 tháng (phần lớn các thuốc
khác chỉ cho tác dụng sau khoảng 2 năm). Liều dùng thông thường là 5 mg mỗi
ngày.
Hiện nay đã có loại Actonel mới chỉ cần dùng mỗi
tuần một viên 35 mg. Loại thuốc mới này không chỉ tiện lợi hơn mà còn tăng khả
năng tuân thủ điều trị vì người bệnh chỉ cần uống 1 viên cho cả tuần. Các
nghiên cứu cho thấy, Actonel 35 mg có hiệu quả và tác dụng phụ tương tự loại 5
mg.
Theo các chuyên gia, tái tạo hoàn toàn phần xương
bị mất dần do loãng xương là một việc rất khó khăn. Vì vậy, trong bệnh này,
việc dự phòng phải được đặt ngang tầm với điều trị.
Thanh
Nhàn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét