Thứ Hai, 23 tháng 7, 2012

NƯỚC ĐỨC TỪNG ĐI ĐẦU TRONG CÔNG NGHỆ TÊN LỬA

Nhìn lại gia sản tên lửa của phát xít Đức


Nói đến công nghệ tên lửa quân sự là nói tới Mỹ và Liên Xô (nay là Nga). Tuy nhiên, quốc gia tiên phong trong lĩnh vực này lại chính là phát xít Đức.
Ngày nay, trong thành phần trang bị quân đội các quốc gia trên thế giới. Các loại vũ khí chính xác như tên lửa hành trình, tên lửa phòng không, tên lửa diệt hạm, tên lửa đạn đạo là lực lượng không thể thiếu. Các loại tên lửa này hầu hết được phát triển bởi Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp,…

Có thể nói, đây là những nước sở hữu công nghệ tên lửa tiên tiến. Nhưng nếu nói về quốc gia đi tiên phong trong lĩnh vực này lại chính là Phát xít Đức với các ý tưởng đầy đủ về hệ thống tên lửa tấn công từ xa từ dành cho các trận địa trên trên không, trên biển và mặt đất.

Trong cuộc đại chiến thế giới lần 2, để đối phó lại với lực lượng quân đồng minh. Đức Quốc Xã đã mở nhiều chương trình, dự án chế tạo tên lửa. Đây là sự mở đầu cho một cuộc cách mạng khoa học công nghệ trong quân sự.

Sau đây là một số loại tên lửa mà quân đội phát xít Đức phát triển và sử dụng:

Tên lửa hành trình V-1

V-1 có thể được coi là thế hệ tên lửa hành trình đối đất đầu tiên trên thế giới được quân đội phát xít Đức phát triển và đưa vào sử dụng trong thế chiến 2; có chiều dài 6m, đường kích thân 838mm, sải cánh 5,7m và tổng trọng lượng hơn 2.200kg. V-1 được trang bị động cơ phản lực (hình ống) Argus 109-014. Tên lửa đạt tốc độ tối đa 645km/h, tầm bắn khoảng 250km.

Hệ thống dẫn đường của V-1 thời kì này còn tương đối đơn giản, đó là sự kết hợp giữa con quay hồi chuyển giúp điều khiển tên lửa bay ổn định trên không, bộ phận la bàn điều khiển hướng đi và thiết bị đo độ cao. Tên lửa V-1 là có trần bay 600m dưới sự kiểm soát của thiết bị đo độ cao.

Tên lửa V-1 trang bị một đầu đạn Amatol-39 (pha trộn giữa thuốc nổ TNT và amoni nitrat) nặng 850kg.

Tên lửa hành trình đối đất V-1 (ảnh: wiki)

Tên lửa V-1 có kết cấu tương đối đơn giản, dễ sản xuất. Đã có tới hàng nghìn quả được sản xuất, chúng chủ yếu được quân đội phát xít sử dụng để oanh kích vào các thành phố lớn của nước Anh trong thế chiến thứ hai. Tuy nhiên, độ chính xác của nó là rất kém, chỉ có khoảng 25% V-1 tới được mục tiêu. Giải thích cho vấn đề này có nhiều lý do ví dụ: bị hệ thống phòng không đối phương bắn hạ (điểm yếu của tên lửa hành trình trước đây cũng như ngày nay là có tốc độ chậm, trần bay thấp nên dễ bị bắn hạ bởi các đơn vị súng máy phòng không); máy móc hay gặp hỏng hóc hoặc hệ thống dẫn đường bị lỗi.
Mặt cắt của tên lửa V-1.

Sau thế chiến thứ 2, rất nhiều tên lửa V-1 đã rơi vào tay quân đồng minh. Dựa trên thiết kế này các quốc gia như Pháp, Mỹ và Liên Xô đã nghiên cứu phát triển các thế hệ tên lửa hành trình cho riêng mình.

Tên lửa đạn đạo V-2

V-2 là tên lửa đạn đạo tầm xa đầu tiên trên thế giới được quân đội phát xít Đức phát triển vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh thế giới thứ 2; có chiều dài 14m, đường kích thân 1.65m, sải cánh 3.56m, tổng trọng lượng 12.500kg. Trang bị một đầu đạn Amatol nặng 980kg có sức công phá mạnh. Tên lửa V-2 có tầm bắn khoảng 300km. Tên lửa đạt tốc độ 1600m/s.

V-2 sử dụng hệ thống dẫn đường LEV-3 bao gồm: hai con quay hồi chuyển và thiết bị đo gia tốc PIGA điều khiển tự ngắt động cơ. Một vài biến thể sau của V-2 lại được dẫn đường theo phương thức tiếp nhận tín hiệu vô tuyến từ mặt đất để định vị mục tiêu.

Tên lửa đạn đạo tầm xa V-2

Xét về các yếu tố kĩ thuật, tên lửa V-2 có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với V-1, khó bị bắn hạ hơn, nó đã gây rất khó khăn cho quân đồng minh. Cũng như V-1, V-2 được sử dụng để oanh kích các thành phố lớn của nước Anh.

Sau khi phát xít Đức đầu hàng đồng minh, rất nhiều mẫu tên lửa V-2 đã được thu giữ và sử dụng để nghiên cứu phát triển.

Tên lửa không đối không Ruhrstahl X-4

X-4 là loại tên lửa không đối không điều khiển bằng dây dẫn do quân đội phát xít Đức phát triển để trang bị cho các máy bay chiến đấu; được lắp một động cơ BMW 109-448 cho phép chúng duy trì tốc độ 1150km/h trong suốt “hành trình” bay. Tầm bắn của tên lửa vào khoảng 1.5-4km. X-4 được trang bị một đầu đạn nổ văng mảnh 20kg, bán kính sát thương 8m.

Tên lửa không đối không điều khiển bằng dây dẫn X-4

X-4 được điều khiển theo phương thức MCLOS (Manual command to line of sight), mà ở đó, xạ thủ sẽ điều khiển tên lửa thủ công từ lúc rời bệ phóng đến lúc trúng mục tiêu, các lệnh được truyền qua dây dẫn.

Nếu được đưa vào sử dụng, X-4 có thể gây rất nhiều khó khăn cho quân đồng minh, đơn giản ở thời điểm các máy bay tham gia không chiến chủ yếu trang bị súng với tầm bắn hiệu quả lớn nhất trong cự ly 1.000m. Tuy nhiên, X-4 đã không bao giờ được đưa vào trang bị chính thức, và nó cũng chưa một lần tham chiến.

Sau chiến tranh, quân đội Pháp đã tự phát triển một phiên bản nội địa dựa trên X-4 và đặt tên nó là AA-10. Từ 1947 tới 1950, đã có 200 quả được sản xuất. Nhưng một lần nữa chương trình này lại tiếp tục bị hủy bỏ.

Tên lửa đối hạm Fritz X và Hs-293

Trong đại chiến thế giới lần thứ hai, quân đội Đức cũng đã tiến hành phát triển hai loại tên lửa diệt hạm phóng từ trên không mang tên Fritz X và Hs-293.

Trong đó:

- Tên lửa Fritz X có chiều dài 3,32m, đường kính thân 0,85m, tổng trọng lượng hơn 1.300kg. Fritz X trang bị một đầu đạn Amatol hoặc đầu đạn xuyên giáp để công phá các thiết giáp hạm (nặng 320kg). Tầm bắn khoảng 5km, tốc độ bay của tên lửa là 343m/giây.

- Tên lửa Hs-293 dài 3,82m, đường kính thân 0,47m, tổng trọng lượng 1.045kg. Nó được trang bị đầu đạn nặng 195kg. Tầm bắn của tên lửa còn tùy thuộc vào độ cao phóng: ở độ cao 2km thì tầm bắn khoảng 4km trong nếu được thả ở độ cao 5km thì tầm bắn lên tới hơn 8km. Tốc độ bay 260m/giây.

Tên lửa đối hạm phóng từ trên không Fritz X.


Tên lửa đối hạm phóng từ trên không Hs 293.

Cả hai loại tên lửa này đều sử dụng phương thức dẫn đường vô tuyến.

Tên lửa diệt hạm Fritz X và Hs-293 đều được không quân phát xít Đức sử dụng tấn công các tàu chiến của quân đồng minh. Thực tế, thời điểm bấy giờ vũ khí chủ yếu mà người ta vẫn tin dùng để tấn công các tàu chiến trên biển vẫn là ngư lôi hoặc các loại pháo lớn. Việc sử dụng tên lửa đối hạm phóng từ trên không là một bước đột phá lớn trong công nghệ thời bấy giờ.

Ngoài ra, quân đội phát xít Đức cũng đưa ra một số chương trình phát triển tên lửa đất đối không khởi đầu là các dự án Enzian, Rheintochter, Schmetterling, Wasserfall. Thế nhưng, chung số phận với chế độ phát xít, tất cả các dự án này lần lượt bị hủy bỏ vào năm 1945.
Theo www.baodatviet.vn

Không có nhận xét nào: